Chúng ta có thể khẳng định, công cuộc thống nhất Phật giáo thời nhà Trần được thiết lập, thực hiện thành công chính là nhờ vào tư tưởng đoàn kết hòa hợp Tăng già và tư tưởng thống nhất các tổ chức thiền phái thời bấy giờ, do đấng Điều Ngự Giác Hoàng khởi xướng và ảnh hưởng đến công cuộc thống nhất Phật giáo Việt Nam sau này.

Phật giáo có mặt trên đất nước ta vào những thế kỷ đầu trước công nguyên, sự hiện diện của trung tâm Phật giáo Luy Lâu đã nói lên chiều dài lịch sử hình thành và phát triển của Phật giáo Việt Nam, trải qua hàng ngàn năm sau đó, Phật giáo tại nước ta không ngừng phát triển, nhất là khi thiền phái Trúc Lâm và Giáo hội Trúc Lâm ra đời dưới sự lãnh đạo của Phật Hoàng Trần Nhân Tông thì Phật giáo Trúc Lâm mới thực sự khẳng định vị thế vững vàng trong lòng dân tộc, và cũng từ cột mốc thời gian này lịch sử dân tộc và Phật giáo Việt Nam đã tôn vinh đức vua Trần Nhân Tông là Phật hoàng Trần Nhân Tông hay Điều ngự Giác Hoàng.

Ngài đã khai sáng thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, sau 10 năm nhiệt thành hoằng pháp lợi sanh, ngài đã viên tịch vào năm 1308, lúc bấy giờ ngài hưởng thọ 51 tuổi đến nay tròn 710 năm, nhờ đức hy sinh tận tụy hết lòng phụng sự đạo pháp và dân tộc, nhất là sức ảnh hưởng từ những tư tưởng Phật học đặc sắc ưu việt của Phật hoàng Trần Nhân Tông, cùng với sự ra đời của Phật giáo Trúc Lâm đã góp phần to lớn cho sự phát triển rực rỡ của Phật giáo thời Trần và sự hưng thịnh của đất nước Đại Việt, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển rực rỡ của Phật giáo Việt Nam mãi đến thời đại ngày nay.

Sự ra đời và phát triển rực rỡ của Phật giáo Trúc Lâm, một tổ chức giáo hội đầu tiên trong lịch sử Phật giáo nước nhà, cùng với sự hiện diện của ba vị Tổ sư người Việt, đó là Sơ Tổ Trần Nhân Tông, Nhị Tổ Pháp Loa và Tam Tổ Huyền Quang, đã tạo cho Phật giáo Trúc Lâm trở thành một biểu tượng giá trị tinh thần độc đáo của dân tộc Việt. Theo lịch sử Phật giáo Việt Nam, thiền phái Yên Tử ra đời từ sự hợp nhất ba thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường trên tinh thần “chưa rõ thì chia làm ba giáo, hiểu rồi thì cùng một ngộ tâm” và sự hình thành của Phật giáo Trúc Lâm dù bắt nguồn từ nền móng của thiền phái Yên Tử, nhưng đã được Phật hoàng Trần Nhân Tông tổ chức lại nhằm thống nhất các hệ phái lúc bấy giờ còn sinh hoạt rời rạc, tuy nhiên vấn đề không chỉ là hợp nhất các tổ chức hệ phái còn sinh hoạt riêng lẻ, mà ở đó nổi bật lên hệ tư tưởng Phật học đặc sắc đã được Phật hoàng Trần Nhân Tông kết tinh, sáng tạo và khởi xướng nhằm khuyến hóa người học Phật, chính tư tưởng Phật học của Phật hoàng Trần Nhân Tông mới là yếu tố quyết định cho sự phát triển Phật giáo Trúc Lâm nói riêng và sự hưng thịnh của đất nước Đại Việt nói chung.

HT_3-01 Quang cảnh Hội thảo Khoa học Quốc tế: “Trần Nhân Tông và Phật giáo Trúc Lâm – Đặc sắc tư tưởng, văn hoá”

Nhìn lại lịch sử, kể từ khi Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập dòng thiền Trúc Lâm - Yên Tử, thống nhất các tổ chức thiền phái và xây dựng nên Phật giáo Trúc Lâm, một tổ chức Giáo hội đầu tiên trong lịch sử Phật giáo nước nhà, tạo nên dòng Phật giáo thuần Việt đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần to lớn cho sự nghiệp phát triển Phật giáo nói riêng và dân tộc nói chung, do vậy chúng ta có thể khẳng định, công cuộc thống nhất Phật giáo thời nhà Trần được thiết lập, thực hiện thành công chính là nhờ vào tư tưởng đoàn kết hòa hợp Tăng già và tư tưởng thống nhất các tổ chức thiền phái thời bấy giờ, do đấng Điều Ngự Giác Hoàng khởi xướng và ảnh hưởng đến công cuộc thống nhất Phật giáo Việt Nam sau này. Đó là sự ra đời Phật giáo Việt Nam, đỉnh cao của thời đại kế thừa truyền thống Phật giáo Trúc Lâm, phát huy tư tưởng Phật hoàng Trần Nhân Tông đồng hành cùng dân tộc phát triển, hội nhập quốc tế ở thế kỷ XXI và những thế kỷ tiếp theo.

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn - Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN