Chuyện xưa kể rằng, từ Phật duyên cung nghinh và phụng thờ di bảo ngọc xá lợi của Đức Thế Tôn, một ngôi Tam bảo đã được tượng hình giữa lòng Sài Gòn vào cuối thập niên 1950. Ngôi chùa ấy không theo bất kỳ một hệ phái riêng biệt nào mà thuộc về tất cả những người con Phật có tâm thành ngưỡng vọng nơi Phật đài uy nghiêm.

Phật học Xá Lợi, ngôi chùa của tri thức, của những cư sĩ tại gia và đồng thời cũng là ngôi chùa của ký ức một thời đấu tranh Pháp nạn chống chế độ độc tài Ngô Đình Diệm kỳ thị và đàn áp tôn giáo. Một công trình kiến trúc hiện đại mang nét đặc thù của 300 năm tâm linh tín ngưỡng đất Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh. Và là một địa điểm ghi dấu những cột mốc quan trọng trên tiến trình thống nhất Phật giáo Việt Nam, đặc biệt cũng là lưu giữ hành trạng của Bồ-tát Thích Quảng Đức, vị pháp thiêu thân năm 1963.

HUY_1601

Tại ngã ba đường Sư Thiện Chiếu và Bà Huyện Thanh Quan, quận 3 thành phố Hồ Chí Minh, chùa Phật Học Xá Lợi đã đồng hành cùng đồng bào và Phật tử miền Nam nói riêng, cả nước nói chung qua hơn 50 mùa Phật đản. Trên khuôn viên khiêm tốn, rộng chừng 2.500 m2 giữa phố phường tấp nập, hình dáng ngôi già lam được kiến thiết khá sung túc với đầy đủ các hạng mục: Cổng tam quan, Chánh điện, giảng đường, tháp chuông, thư viện, tăng phòng, trai đường, đoàn quán gia đình Phật tử, khu trù phòng - cư sĩ, vãng sanh quán, vườn cảnh v.v... Về mặt kiến trúc, Phật học Xá Lợi là công trình tôn giáo có ý nghĩa đặc biệt, trở thành ngôi chùa lầu đầu tiên được xây dựng bằng vật liệu bê tông cốt thép, mở đầu cho bố cục trên bái đường dưới giảng đường của đạo Phật Việt Nam. Về mặt lịch sử, đây cũng chính là một trong những ngôi tam bảo đầu tiên ra đời ngay giữa trung tâm thành phố Hồ Chí Minh, sau hơn một thế kỷ thực dân Pháp đốt phá hết những mái chùa được xem là linh hồn trấn quốc ở phương Nam, để thiết lập một đô thị mới theo kiểu Tây phương.

HUY_1597-2

Nổi bật trong tổng thể công trình làm nên đặc trưng phong cách riêng của chùa Phật học Xá Lợi là ngôi Chánh điện ở vị trí trung tâm, với bề rộng 15m2, chiều dài 31m2. Tòa Phật điện được thiết kế rộng thoáng, nơi tôn thờ duy nhất một tôn tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni toàn thân thép vàng - kiệt tác mỹ thuật của trường Mỹ Nghệ Biên Hòa xưa, được xem là khuôn mẫu cho nhiều tượng Phật các chùa sau này. Đặc biệt, ở vị trí trên cao, ngay trước tôn tượng Đức Phật là một bảo tháp nhỏ bằng bạc, nơi tôn thờ di bảo ngọc Xá Lợi Phật.

HUY_1594

HUY_1604

Xá Lợi là một ngôi chùa Phật học, nên sự quản lý có phần khác biệt so với nhiều bảo tự khác khi tồn tại song song hai hệ thống. Hàng tu sĩ xuất gia giữ vai trò lãnh đạo về mặt tinh thần, với hai phẩm vị là Chứng minh đạo sư và Trụ trì. Giới cư sĩ tại gia giữ nhiệm vụ điều hành Phật sự, với hai cấp là Hội trưởng và Tổng thư ký. Hiện chùa Phật học Xá Lợi đã trải qua 9 đời Chứng minh đạo sư và trụ trì. Đương nhiệm là Viện chủ - Hòa thượng Thích Hiển Tu và Trụ trì - Thượng tọa Thích Đồng Bổn. Chùa được xây dựng vào năm 1956 để làm nơi phụng thờ di bảo Đức Thế Tôn và đồng thời tạo không gian đủ rộng cho thiện nam tín nữ đến chiêm bái. Chùa Phật học Xá Lợi ngoài các giá trị vật chất và kiến trúc, còn là nơi lưu giữ những giá trị tinh thần cùng bao chứng tích lịch sử Phật giáo không phai mờ theo năm tháng. Chùa là trụ sở Trung ương Hội Phật học Nam Việt (1951 – 1981), một tổ chức Phật giáo có uy tín với 74 chi hội và gần 25.000 hội viên trải khắp Nam Bộ. Chùa cùng với Hội Phật học Nam Việt là một trong sáu tổ chức đứng tên thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam năm 1952. Một trong 11 tổ chức khai sinh Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất năm 1964. Và là một trong chín tổ chức Phật giáo hưởng ứng thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam năm 1981.

HUY_1596

Ngoài ra, chùa Phật học Xá Lợi từng là tòa soạn của tờ bán nguyệt san Từ Quang, tiếng nói chính thức của Hội Phật học Nam Việt. Là trụ sở của Ủy ban Liên hiệp Phật giáo Hoa Việt, văn phòng Hội chủ Tổng hội Phật Giáo Việt Nam (1959 – 1964), nơi đặt lớp học đầu tiên của Viện Cao đẳng Phật học Sài Gòn khi viện mới được thành lập năm 1964. Là trụ sở văn phòng II Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam giai đoạn 1981 – 1993. Một trong những mốc son của lịch sử chùa Phật học Xá Lợi, chính là sự kiện Pháp nạn 1963. Việc chính quyền Ngô Đình Diệm cấm treo cờ Phật giáo trong dịp lễ Phật đản năm ấy đã thổi bùng lên ngọn lửa tranh đấu mãnh liệt của Tăng Ni, Phật tử Việt Nam. Và chùa Xá Lợi, trụ sở của Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo đã giương cao ngọn cờ đấu tranh đòi bình đẳng tôn giáo, chống chế độ độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm. Chùa cũng là nơi rước nhục thể và làm lễ cầu siêu cho Bồ tát Thích Quảng Đức khi ngài vì đạo mà nguyện lấy thân làm đuốc, ngõ hầu thức tỉnh chính quyền Sài Gòn trong cơn mê phân biệt, kỳ thị tôn giáo. Vì lẽ đó, chùa Xá Lợi bị vây ráp ác liệt khi tất cả những ai có mặt tại đây đều bị bắt giữ. Sự kiện chỉ kết thúc khi chính quyền Ngô Đình Diệm bị lật đổ vào cuối năm 1963.

HUY_1583

Ngày nay, bánh xe lịch sử đã sang trang, Hội Phật học Nam Việt cùng quá khứ một thời bi hùng đã khép lại. Nhưng ngôi chùa Phật học Xá Lợi vẫn còn đó, tiếp tục kế thừa sứ mệnh cổ động phong trào tu học hoằng dương chánh pháp, Bi, Trí song nghiêm; tiếp độ người hữu duyên trên con đường tu học. Đi cùng với chùa theo năm tháng là một thư viện mở, kế thừa nền tảng từ thời Hội Phật học Nam Việt với hơn 7.000 đầu sách thuộc đủ các ngôn ngữ về kinh – luật – luận, triết học, văn hóa, khoa học xã hội v.v..., thuộc vào loại lớn nhất khu vực thành phố Hồ Chí Minh về phương diện Phật học. Trong đó, có nhiều loại sách cổ và sách cũ có giá trị như Bộ sách Tân tu Đại Tạng, bộ sách Tân tu Tụng Tạng, đặc biệt là pho kinh bối diệp cổ chép bằng chữ Pali trên lá ô bôi (lá muôn) cách nay hơn 1.000 năm tuổi. Là một ngôi chùa có truyền thống Phật học, Xá Lợi hiện là nơi đặt văn phòng của Trung tâm nghiên cứu Phật giáo Việt Nam trực thuộc Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam do Thượng tọa – Tiến sĩ Thích Đồng Bổn làm giám đốc. Ngoài những công trình nghiên cứu chuyên sâu, Trung tâm thường xuyên thỉnh nhiều giảng sư và nhà nghiên cứu tầm cỡ quốc gia và quốc tế đến trao đổi, giảng dạy về Phật pháp cho các cư sĩ và Phật tử hữu duyên. Ngoài ra, Trung tâm cũng đảm đương việc in ấn kinh sách, tạp chí và các Phật sự khác của Giáo hội.

HUY_1595

Thượng tọa Thích Đồng Bổn – trụ trì chùa Phật học Xá Lợi cũng đồng thời là người khai sinh ra nhiều lớp học cho hàng cư sĩ và Phật tử tại gia được tổ chức hàng tuần tại chùa. Đứng lớp là những cư sĩ có trình độ cao hay chư Tăng uyên thâm Phật pháp được cung thỉnh từ nhiều tự viện về giảng dạy. Ngoài ra, tại chùa Phật học Xá Lợi còn có các khóa tu tập Bát Quan Trai, những buổi sinh hoạt của thanh thiếu niên gia đình Phật tử v.v... Tất cả nhằm tạo ra một môi trường thuận lợi để trợ duyên cho bất kỳ ai muốn nghiên cứu, tìm hiểu về triết lý Phật đà, có điều kiện tiếp thu tri thức, bồi dưỡng niềm tin vào Phật pháp cũng như học cách ứng nhân xử thế giữa cuộc đời.

HUY_1585

HUY_1595

Chùa Phật học Xá Lợi, một kiến trúc dung hòa giữa những quan niệm cũ và những giá trị mới, tiêu biểu cho nền mỹ thuật Phật giáo trong cơn chuyển mình giữa hai thời đại. Mặc cho gió sớm sương chiều, qua bao thăng trầm, chùa vẫn nguyên vẹn một sức sống sinh động, trung thành với định hướng thuở ban đầu của những người đã tạo nên vóc hình ngôi Tam Bảo này.

Duyên Khởi